Bộ GTVT đồng ý mở rộng cao tốc Long Thành – Dầu Giây
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đồng ý lập dự án mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành lên 10 làn xe.
Bộ Giao thông Vận tải vừa giao Tổng công ty Cửu Long lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, trình trong quý IV để Bộ xem xét đưa vào kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây qua thị trấn Long Thành. Ảnh: Quỳnh Trần
Trong đó, giai đoạn 2021-2030, đoạn từ nút giao An Phú (TP HCM) đến thị trấn Long Thành (Đồng Nai) sẽ mở rộng 8-10 làn xe. Đoạn còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây giữ nguyên 4 làn xe.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu trong nghiên cứu phải làm rõ quy mô và trách nhiệm đầu tư đối với các nút giao An Phú, quốc lộ 51, Vành đai 2, Vành đai 3….
Vụ Kế hoạch – Đầu tư được giao tham mưu bố trí vốn để triển khai dự án. Ngoài ra, để kết nối sân bay Long Thành, đơn vị này phải phối hợp với các tỉnh, thành nghiên cứu đường trên cao, đường sắt nhẹ từ TP HCM đến Long Thành, xây dựng bến xe trung chuyển…
Trước đó, để giải quyết tình trạng kẹt xe liên tục trên cao tốc Long Thành, UBND Đồng Nai kiến nghị Bộ GTVT mở rộng đường này từ 4 lên 12 làn. Sau đó, Bộ giao Tổng công ty Cửu Long khảo sát, nghiên cứu để đề xuất phương án.
Dựa trên số liệu lưu lượng xe khảo sát tại Trạm thu phí Long Phước năm 2017 (14,17 triệu lượt), đơn vị tư vấn đưa ra dự báo về số làn xe cho cao tốc này theo từng giai đoạn: năm 2025 dự kiến mở rộng 5 làn xe, 2030 thành 7 làn, 2035 mở rộng 8 làn, 2038 lên 9 làn và 2040 thành 10 làn.
Tổng công ty Cửu Long đề xuất, từ nút giao An Phú (quận 2, TP HCM) đến thị trấn Long Thành dài 24 km sẽ mở rộng từ 4 lên 8 làn xe từ năm 2025 với nguồn vốn hơn 9.800 tỷ đồng. Sau năm 2040, đoạn này cần được mở rộng lên 10 làn xe. Riêng 31 km từ Long Thành đi Dầu Giây sẽ giữ nguyên vì có thể đáp ứng nhu cầu lưu thông đến năm 2040.
Cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55 km, vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng. Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TP HCM với các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Sau 5 năm hoạt động, cao tốc đã quá tải. Theo Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, đơn vị đầu tư), lưu lượng xe qua tuyến năm 2015 khoảng 10 triệu lượt xe, năm 2019 đã tăng 16,5 triệu. Mức tăng lưu lượng xe bình quân khoảng 10% mỗi năm. Hiện nay, mỗi ngày cao tốc phục vụ khoảng 52.000 lượt xe (lễ, Tết 60.000 lượt xe), trong khi thiết kế chỉ 44.000 lượt xe.
Theo vnexpress.net